Trước thềm sự kiện IPO của Vietnam Airlines, Trung tâm Tư vấn hàng không CAPA-Center for Aviation đã có bài phân tích tổng quát tiềm lực và thách thức của hãng, cùng chiến lược mở rộng đường bay dài vào năm 2015 với “hạm đội” 787 và A350 sắp cập bến.
Nhìn lại Vietnam Airlines trước ngày IPO
Trong những năm qua, Hãng hàng không quốc gia Vietnam Airlines đã tập trung phát triển các đường bay tầm ngắn và trung sử dụng máy bay A321. Đến nay, sau nhiều lần trì hoãn, bay đường dài sẽ là trọng tâm, nhằm giúp Vietnam Airlines nâng cao hình ảnh toàn cầu của mình và vượt qua đối thủ VietJet Air - hãng hàng không lớn thứ 2 Việt Nam hiện cũng đang lên kế hoạch khai thác sâu thị trường bay đường dài quốc tế.
Chiếm 62% thị trường bay nội địa (tăng 75% sau khi sở hữu 70% Jetstar Pacific) và 40% thị trường bay quốc tế, Vietnam Airlines có một tương lai xán lạn khi đang ở vị trí dẫn đầu một trong những thị trường bay phát triển nhanh nhất thế giới.
CAPA nhận định đợt IPO sắp tới sẽ tạo thế đứng cho Vietnam Airlines trong một sân chơi bình đẳng với 5 hãng bay lớn của Đông Nam Á, tất cả đều đã lên sàn. Nhưng song hành tiềm năng phát triển là cuộc chiến quyết liệt giành thị phần, Vietnam Airlines chắc chắn phải đối mặt với nhiều thách thức để "cất cánh" cao hơn.
Trở ngại về cơ sở hạ tầng sân bay
Như hầu hết các nước trong khu vực có ngành hàng không phát triển, cơ sở hạ tầng sân bay đang "hụt hơi" khi phải gồng mình đáp ứng nhu cầu mới. TP.HCM không là ngoại lệ, nhất là khi Chính phủ có nguyện vọng tận dụng vị trí trung tâm châu Á của Việt Nam để biến TP.HCM trở thành một trung tâm trung chuyển cạnh tranh với Bangkok và Singapore.
CAPA dẫn lời chủ tịch HĐTV Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam Nguyễn Nguyên Hùng phát biểu hồi tháng 3-2014 cho biết việc mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất là cần thiết để đáp ứng nhu cầu mới, trước khi kế hoạch xây dựng sân bay Long Thành được triển khai.
Theo dữ liệu Airport Construction & CAPEX Database của CAPA, sân bay Tân Sơn Nhất đạt công suất hằng năm 20 triệu lượt khách. Sân bay mới dự kiến có công suất tối đa 100 triệu hành khách/năm, nhưng phải chờ thêm vài năm nữa. Trong khi đó, sân bay Tân Sơn Nhất đang được mở rộng để tăng công suất lên 26 triệu lượt khách vào cuối năm 2016.
Vietnam Airlines không bổ sung bất kỳ máy bay thân rộng nào kể từ năm 2011
Theo dữ liệu từ CAPA Fleet Database, "đội quân" của Vietnam Airlines hiện có 83 máy bay, bao gồm 18 máy bay thân rộng, 53 máy bay thân hẹp và 12 máy bay tuabin phản lực cánh quạt. Hai máy bay phản lực Fokker 70 cuối cùng của hãng vừa mới "nghỉ hưu" từ ngày 30-3-2014.
Trong khi nhanh chóng mở rộng và làm mới đội hình máy bay thân hẹp với đơn hàng 11 chiếc A321 năm 2012, 8 chiếc năm 2013, thêm 2 chiếc năm 2014 và đặt hàng 5 chiếc vào cuối năm 2015, thì Vietnam Airlines không mua thêm một chiếc máy bay thân rộng nào kể từ năm 2011. Đội máy bay hẹp A320 của hãng đều có tuổi đời trung bình dưới 5 năm.
CAPA dẫn lời tổng giám đốc Vietnam Airlines Phạm Ngọc Minh cho biết kế hoạch của hãng từ nay đến cuối năm 2018 là sẽ thay thế toàn bộ 18 chiếc máy bay thân rộng hiện tại. CAPA Fleet Database cho biết Vietnam Airlines đã cam kết mua 30 chiếc máy bay thân rộng mới, gồm 14 787-9s và 16 A350-900s.
Kế hoạch hiện tại cho phép hãng nhập thêm 12 máy bay từ 2015 - 2018, trong đó 4 chiếc sẽ về đến Việt Nam vào năm 2015 trong kế hoạch mua 8 chiếc 787 và A350-900, đồng thời giảm 4 chiếc trong đội bay A330s/777 hiện tại. Vietnam Airlines cũng đang cân nhắc việc thuê thêm một số chiếc 787.
Ông Minh cho biết việc có thêm 4 chiếc máy bay mới sẽ cho phép Vietnam Airlines chinh phục các chặng bay đường dài, sau khi bị gián đoạn trong khoảng 2,5 năm qua. Hiện hãng đang xem xét các thị trường và đưa ra quyết định chặng bay trong vài tháng tới. Nhiều khả năng Vietnam Airlines sẽ có chặng bay thẳng đến Mỹ và thêm một số điểm đến châu Âu và Úc, ngoài Frankfurt, London, Matxcơva và Paris.
Tuy vậy để bay đến Mỹ, Việt Nam phải đạt được tiêu chuẩn an toàn cấp độ 1 của US FAA.
Sự trì hoãn khiến Vietnam Airlines chậm một bước trước các đối thủ
Sự trì hoãn mở rộng các chặng bay dài của Vietnam Airlines vô tình tạo điều kiện cho các đối thủ vượt mặt. Cụ thể, Gulf Air (Bahrain) đã nhanh chóng mở rộng để bắt kịp đà tăng trưởng trong thị trường bay Việt Nam - châu Âu, Emirates Airways (Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất) cũng khai trương đường bay đến TP.HCM hồi tháng 6-2012 và tương tự là Etihad Airways tháng 10-2013.
Qatar Airways xâm nhập thị trường Việt Nam từ năm 2007 và gần đây đã nâng cấp công suất chuyên chở. Turkish Airlines cũng đưa các dịch vụ vào Việt Nam từ cuối năm 2010, trong khi Air France và Aeroflot là 2 hãng bay châu Âu duy nhất hiện đang mở các đường bay thẳng đến Việt Nam.
Đối thủ VietJet dự định sử dụng A320 để bay đến các điểm mới ở Bắc và Đông Nam Á, đồng thời lên kế hoạch cho máy bay thân rộng bay đến châu Âu, Úc và Bắc Mỹ trong vòng 3 năm tới.
(Nguồn:tuoitre.vn)