Bộ Tài chính và Bộ Kế hoạch đầu tư tỏ ra lo ngại về an ninh quốc phòng cũng như quản lý ngân sách nhà nước khi cổ phần hóa Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV).
Hai bộ thận trọng khi cổ phần hóa Cảng Hàng không
Trước kiến nghị của Bộ Giao thông Vận tải xin được cổ phần hóa ACV ngay trong năm 2014 để huy động nguồn lực thực hiện các siêu dự án tỷ đô tới đây, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh vừa chỉ đạo Bộ này phải làm rõ những băn khoăn của các bộ ngành khi tham gia ý kiến về chủ trương này.
Theo kiến nghị của Bộ trưởng Đinh La Thăng, sau cổ phần hóa, Nhà nước vẫn nắm giữ trên 75% vốn điều lệ của ACV.
Với tổng tài sản của công ty mẹ tính đến cuối năm 2013 lên đến trên 30.000 tỷ đồng, gấp đôi vốn điều lệ và doanh thu khoảng 8.400 tỷ đồng, việc cổ phần hóa ACV dự kiến được nhiều nhà đầu tư chờ đợi.
Trao đổi với VnExpress trước đó, Bộ trưởng Đinh La Thăng cho biết dự kiến tới đây ACV thực hiện một loạt siêu dự án như đầu tư xây dựng sân bay quốc tế Long Thành, xây dựng đường cất hạ cánh thứ 3 và nhà ga mới T3 (công suất 20-25 triệu khách mỗi năm) để nâng công suất sân bay Nội Bài lên 50 triệu khách mỗi năm… Và phương án tối ưu nhất để huy động nguồn lực cho các dự án này, theo ông Thăng là cổ phần hóa công ty mẹ ACV, mà trước mắt là lo đủ 1,4 tỷ USD đối ứng cho dự án sân bay quốc tế Long Thành có vốn đầu tư giai đoạn I lên đến 5,6 tỷ USD.
Tuy nhiên, Bộ Kế hoạch Đầu tư yêu cầu cần có chiến lược phát triển thống nhất các cảng hàng không, xây dựng cơ chế quản lý giá, phí tại cảng đồng thời thông tin đầy đủ tình hình kinh doanh của tất cả 22 cảng hàng không mà ACV đang nắm trong tay, có như vậy mới đảm bảo cổ phần hoá hiệu quả.
Bộ Kế hoạch Đầu tư khuyến cáo cần được nghiên cứu, tính toán kỹ các siêu dự án trên cơ sở đảm bảo tính khả thi và hiệu quả. Năm 2013 ACV vẫn lãi trước thuế hơn 1.400 tỷ đồng, song đã giảm gần 27% so với năm trước đó.
Hiện có nhiều sân bay được dùng cho cả quân sự lẫn dân sự, vì vậy Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị có phương án xử lý các cảng hàng không này để đảm bảo mục tiêu an ninh quốc phòng. “Cần lấy ý kiến của Bộ Quốc phòng về chủ trương này”, Bộ Kế hoạch Đầu tư nhấn mạnh.
Về phần mình, Bộ Tài chính cũng đề nghị phân tích tác động đối với các sân bay dùng cho cả mục đích quân sự khi ACV tiến hành chuyển đổi mô hình tổ chức. Hiện nay Nhà nước vẫn đầu tư một phần ngân sách cho xây dựng sân bay bên cạnh phần vốn của công ty mẹ ACV. Điều Bộ Tài chính lo ngại là thẩm quyền quản lý và giám sát tài chính khi ACV thành công ty cổ phần.
ACV được thành lập năm 2012 trên cơ sở hợp nhất ba Tổng công ty Cảng hàng không Bắc – Trung – Nam và đang hoạt động theo mô hình công ty mẹ – công ty con. Công ty mẹ là công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên (TNHH MTV) do Nhà nước làm chủ sở hữu bao gồm văn phòng tổng công ty và 24 đơn vị hạch toán phụ thuộc, ba công ty con và ba công ty liên doanh liên kết.
Thực hiện đề án tái cơ cấu đã được bộ Giao thông Vận tải phê duyệt, tổng công ty đang tiến hành cổ phần hoá hai công ty con và dự kiến sẽ hoàn thành trong quý 3 năm nay là công ty TNHH MTV Dịch vụ hàng không sân bay Tân Sơn Nhất (Sasco) và công ty Phục vụ mặt đất Sài Gòn.
(Nguồn:vnexpress.net)