"Hàng không chung" là khái niệm dùng chỉ tất cả các hoạt động sử dụng phương tiện bay mà không phải là vận tải hàng không công cộng hoặc không quân.
Việt Nam cần phát triển 'hàng không chung'
Thế giới phát triển mạnh
Hàng không chung là lĩnh vực còn rất mới đối với nước ta. Hễ nói đến máy bay, các cơ quan quản lý và người dân thường mặc định đó là hàng không theo ý nghĩa vận tải công cộng.
Trên thực tế, số máy bay vận tải thương mại hành khách và hàng hoá thuộc tất cả các hãng hàng không trên toàn thế giới hiện tại khoảng 20.000 chiếc, chỉ bằng 1/7 số máy bay quân sự (khoảng 140.000 chiếc) và 1/18 số phương tiện bay trong lĩnh vực hàng không chung (khoảng 360.000 chiếc).
Nói tóm lại, chúng ta mới biết một góc rất nhỏ của bầu trời, một phần rất nhỏ của thế giới hàng không.
Các phương tiện bay hàng không chung phổ biến gồm: máy bay cánh bằng, trực thăng, khinh khí cầu, tàu lượn, máy bay thực nghiệm, máy bay siêu nhẹ thể thao.
Chủ của các phương tiện bay hàng không chung có thể gồm cá nhân (máy bay tư nhân), cơ quan nhà nước (máy bay công vụ, kể cả của cảnh sát phòng cháy chữa cháy, cảnh sát giao thông, kiểm lâm, các cơ quan nghiên cứu), doanh nghiệp (máy bay thương gia), bệnh viện (máy bay vận chuyển y tế), công ty du lịch, công ty vận tải tuyến ngắn air taxi, trường đào tạo phi công, câu lạc bộ hàng không…
Mỹ là cường quốc hàng không chung, với khoảng 220.000 phương tiện bay trong tổng số 360.000 phương tiện bay hàng không chung toàn cầu. Có gần 20.000 sân bay, bãi đáp trên mặt đất và trên mặt nước ở Mỹ phục vụ cho các hoạt động hàng không chung, với các hoạt động bay hết sức tấp nập.
Sau Mỹ là Canada, châu Âu, Úc, New Zealand..., với số phương tiện bay hàng không chung từ hàng nghìn đến hàng chục nghìn chiếc mỗi nước. Úc có khoảng 23 triệu dân, nhưng có tới 12.000 phương tiện bay hàng không chung, phần lớn trong đó là máy bay tư nhân.
Úc có nhiều sân bay hàng không chung. Sân bay Bankstown ở Sydney mỗi ngày có trên dưới 1.000 chuyến bay hàng không chung, cao gấp đôi số chuyến bay hằng ngày tại Tân Sơn Nhất, sân bay lớn nhất của Việt Nam.
Ở các nước châu Á, do mặt bằng phát triển kinh tế, hàng không chung chưa phát triển được như ở châu Âu và Úc, so với Mỹ thì khoảng cách quá xa.
Riêng ở nước ta, hàng không chung mới đang ở điểm khởi đầu cả về khái niệm và thực tiễn. Máy bay hàng không chung ở Việt Nam đến thời điểm hiện tại gồm một chiếc cánh quạt King Air và một chiếc trực thăng Eurocopter của hai ông bầu bóng đá.
Bốn chiếc máy bay siêu nhẹ mà một công ty đã nhập cách đây mấy năm vẫn chưa cất cánh được. Ba chiếc thủy phi cơ Cessna với sức chở 12 khách của một hãng hàng không sắp đưa vào phục vụ du lịch trong năm nay là dự án hàng không chung lớn nhất từ trước đến nay ở Việt Nam.
Giữ chủ quyền biển, đảo
So với các nước trong ASEAN, mức độ phát triển hàng không chung của Việt Nam còn rất thấp. Malaysia đã có hơn 50 máy bay hàng không chung, Indonesia có hơn 100 chiếc và số máy bay tư nhân ở các nước này đang tăng lên nhanh chóng.
Còn tại Trung Quốc, đội máy bay hàng không chung hiện tại hơn 1.600 chiếc và sẽ tăng lên đến 10.000 chiếc vào năm 2020. Trung Quốc trong những năm gần đây có mục tiêu phát triển hàng không chung rất mạnh, trở thành một trong các khách hàng lớn của các công ty chế tạo máy bay. Bản thân Trung Quốc đang nghiên cứu và chuẩn bị sản xuất nhiều loại máy bay từ một vài chục chỗ đến 150 chỗ.
Nhật Bản gần đây đầu tư mạnh vào công nghiệp máy bay. Các công ty sản xuất ô tô lớn ở Nhật Bản như Mitsubishi, Honda, Toyota đều đang phát triển các dự án sản xuất máy bay cỡ nhỏ dành cho vận tải hàng không và hàng không chung.
Trong xu thế của khu vực, nước ta không thể không để ý đến lĩnh vực hàng không chung, mà cần có kế hoạch, chiến lược phát triển lĩnh vực này. Bầu trời không chỉ là chủ quyền, mà còn là tài nguyên của quốc gia. Các hoạt động bay càng tấp nập, giá trị đóng góp của bầu trời vào phát triển kinh tế - xã hội càng cao.
Hiện nay, mỗi năm nước ta có hàng trăm chuyến bay y tế chở bệnh nhân ra nước ngoài chữa bệnh, nhưng đều phải thuê máy bay nước ngoài. Nhu cầu bay phục vụ đo đạc địa chất, lập bản đồ, khí tượng thủy văn, kiểm lâm, kiểm ngư, cứu hỏa, truy bắt tội phạm... không nhỏ nhưng chưa có máy bay phù hợp để đáp ứng.
Chỉ có hàng không chung với các loại máy bay có tính năng cất, hạ cánh trên các đường băng ngắn, xây dựng nhanh và rẻ, thủy phi cơ cất, hạ cánh trên biển, sông, hồ, các loại máy bay trực thăng cơ động mới có thể phủ kín cả nước, còn các sân bay dân dụng quy mô lớn không thể xây tràn lan, tỉnh nào cũng có.
Càng có nhiều phương tiện hàng không chung với đa dạng hoạt động bay thì chủ quyền bầu trời, biển đảo của nước ta càng vững.
Để hàng không chung có thể phát triển mạnh, cần xây dựng và ban hành nhiều quy định phù hợp với các hoạt động hàng không đặc thù, đặc biệt liên quan đến việc tổ chức quản lý bầu trời và các hoạt động bay; cấp phép cho các phương tiện bay và người điều khiển.
Vận tải hàng không công cộng chỉ sử dụng một phần rất nhỏ bầu trời, còn hàng không chung sử dụng gần như toàn bộ bầu trời, do vậy cách thức tổ chức quản lý hoàn toàn khác với những gì chúng ta đã và đang có.
(Nguồn:thanhnien.com.vn)