Kể từ khi thành lập năm 1947, hãng hàng không tốt nhất châu Á năm 2013 đã gặp khá nhiều sự cố đáng tiếc, trong đó có cả trường hợp bị không tặc tấn công.
Những sự cố đáng tiếc trong lịch sử Malaysia Airlines
Malaysian Airline System (MAS) là lá cờ đầu trong ngành hàng không của Malaysia với trụ sở ở Sultan Abdul Aziz Shah Airport, tại Subang, Selangor, Malaysia. Các chuyến bay của hãng được vận hành từ trung tâm chính ở sân bay quốc tế Kuala Lumpur, bên cạnh các trung tâm khác ở Kota Kinabalu và Kuching.
Hãng đang vận hành các chuyến bay trong khu vực Đông Nam Á, Đông Á, Nam Á , Trung Đông và cả tuyến đường giữa châu Âu và Úc. Ngoài ra, MAS còn cung cấp các dịch vụ sửa chữa, bảo trì cho máy bay. Theo lời giới thiệu trên trang chủ, hãng hàng không của Malaysia này chuyên chở khoảng 37.000 hành khách mỗi ngày với 250 chuyến bay và 80 điểm đến. Năm 2011, nó chở khoảng 13 triệu hành khách với doanh thu 4,5 tỷ USD.
Đội bay của MAS bao gồm 88 máy bay với các dòng sản phẩm chính như Boeing 747-400, 777-200ER, 737-800,737-400, Airbus A330-300, A330-200 và con át chủ bài A380-800.
Hãng cũng đã giành được nhiều giải thưởng danh giá trong ngành hàng không cho đội bay, thực phẩm, dịch vụ và thậm chí tạp chí du lịch World Travel Awards còn xếp hạng nó là hãng hàng không tốt nhất châu Á năm 2013. Đến tháng 2/2013, Malaysia Airlines trở thành thành viên chính thức của liên minh hàng không Oneworld – kết nối 850 điểm đến khác nhau trên toàn cầu.
Những sự cố đáng tiếc trong lịch sử vận hành
4/12/1977: Tính đến trước vụ tai nạn mới diễn ra ngày 8/3/2014, vụ tai nạn máy bay tồi tệ nhất trong lịch sử Malaysia đã xảy ra khi 100 hành khách và phi hành đoàn thiệt mạng do chiếc Boeing 737-200 mang số hiệu MH653 đâm vào một đầm lầy ở Tanjong Kupang, Johor. Theo báo cáo của cơ trưởng, chiếc máy bay nói trên đã bị một tên không tặc không xác định danh tính tấn công khi đang giảm dần độ cao tiến về sân bay Subang, vào khoảng 7h54 phút tối. Trong số hành khách thiệt mạng, có những nhân vật đáng chú ý như Bộ trưởng bộ nông nghiệp Datuk Ali Ahmad và đại sứ Cuba tại Nhật Bản Mario Garcia. Tuy nhiên, nguyên nhân đằng sau vụ việc vẫn chưa được tìm ra
18/12/1983: Chuyến bay số hiệu MH 684 từ Singapore đã bị rơi cách đường băng 2 km, cũng tại sân bay Subang. Lý do là bởi cơ trưởng đã cố gắng hạ cánh chiếc Airbus 300-B4 trong cơn mưa lớn. Kết quả là máy bay đã “đốn hạ” rất nhiều cây cối trước khi tiếp đất và hư hỏng nặng. May mắn là không có ai bị thiệt mạng.
15/09/1995: 34 người đã thiệt mạng trong vụ tai nạn của chuyến bay có số hiệu MH2133. Do lỗi của phi công (như được giới chức xác định), chiếc Fokker 50 đã vượt quá đường băng của sân bay Tawau và đâm vào một khu ổ chuột.
15/3/2000: Một chiếc Airbus A330-300 chuyên phục vụ tuyến đường từ Bắc Kinh đến Kuala Lumpur đã bị hư hỏng khi dỡ hàng ở sân bay quốc tế Kuala Lumpur International Airport. Nguyên nhân là do rò rỉ chất hóa học có tên gọi oxalyl clorua – khiến năm nhân viên mặt đất bị ngộ độc. Sau đó, công ty Trung Quốc – những người đã không kê khai chính xác chất hóa học được vận chuyển đã bị phạt 65 triệu USD.
01/08/2005: Chuyến bay MH124 đã buộc phải hạ cánh khẩn cấp tại sân bay Perth Airport - sau khi phi hành đoàn báo cáo sự cố liên quan đến phần mềm điều khiển. Nó đã buộc phi công phải điều khiển bằng tay chiếc Boeing 777-2H6ER để hạ cánh, rất may là không có thiệt hại nào xảy ra.
17/12/2013: Máy bay có số hiệu MH170 từ Jakarta đến Kuala Lumpur đã gặp sự cố khi hạ cánh. Đó là bởi cơn lốc khí gây ra khi chiếc siêu máy bay Airbus A380 hạ cánh trước, dẫn đến chiếc Boeing 737-800 bị kéo xuống đột ngột. Rất may là phi công đã kiểm soát tốt vấn đề và không để xảy ra thiệt hại nào đáng kể.
8/3/2014: Đây có thể sẽ là vụ tai nạn tồi tệ nhất trong lịch sử Malaysia Airlines khi chiếc Boeing 777-200 chở 227 hành khách và 12 thành viên phi hành đoàn bị rơi cách đảo Thổ Chu, Kiên Giang 300 km. Theo dự định ban đầu, chiếc máy bay sẽ hạ cánh xuống sân bay quốc tế Bắc Kinh vào sáng sớm, sau khi khởi hành từ sân bay quốc tế Kuala Lumpur.
(Nguồn:news.zing.vn)