Dù hơi khó bán do không phải khách hàng nào cũng có nhu cầu máy bay cỡ lớn song các nhà sản xuất vẫn tự tin về hiệu quả của dòng sản phẩm này.
Lãi to nhờ máy bay thân hẹp cỡ lớn
Sau cơn khủng hoảng kinh tế toàn cầu, du khách và doanh nhân đang có dấu hiệu đi lại nhiều hơn, giúp ngành công nghiệp hàng không một lần nữa bùng nổ. Lợi nhuận từ lĩnh vực không chỉ khiến các nhà sản xuất tăng sản lượng mà còn hướng đến các loại máy bay rộng hơn, những mẫu đến lúc này chỉ có hai hãng lớn nhất là Airbus và Boeing làm được. Phi cơ thân rộng sẽ mang lại lợi nhuận cao hớn cho các nhà sản xuất hơn so với các mẫu bé.
"Kích cỡ trung bình của máy bay đang tăng lên, mỗi năm lại to hơn một chút", Giám đốc kinh doanh máy bay thương mại của Airbus John Leahy cho biết. Trong thời điểm lợi nhuận như hiện nay, những phi cơ thân rộng sẽ mang được nhiều hành khách hơn mà không phải tăng chuyến. Thực tế, tiền mua một chiếc thân rộng cao hơn bình thường, nhưng các hãng hàng không có thể dàn trải chi phí bằng cách thêm ghế để tăng khách, không cần lo chuyện thêm người trong phi hành đoàn.
Airbus A321, loại máy bay một lối đi (hay còn gọi là thân hẹp) lớn nhất của hãng sản xuất đến từ châu Âu có sức chứa 220 hành khách, chiếm một nửa sản lượng hiện nay và tăng 20% so với cùng kỳ năm ngoái. Mỗi chiếc A321 có giá bán lẻ 110 triệu USD, cao hơn so với mẫu tiền nhiệm là A320 (sức chứa 180 người).
"A321 là mẫu thân hẹp được đặt mua nhiều nhất hiện nay", Angus Kelly-Giám đốc công ty cho thuê máy bay lớn thứ 2 thế giới AerCap Holdings cho biết. Khi lượng hành khách tăng lên, các sân bay không có đủ chỗ chứa khiến các mẫu cỡ nhỡ được ưa chuộng hơn.
Trong 20 năm tới, Boeing (Mỹ) ước tính các mẫu hai lối đi (thân rộng) cỡ trung sẽ tăng thêm 20 ghế, còn loại thân hẹp sẽ thêm 10 ghế. Năm ngoái, Boeing đã ra mắt thế hệ nâng cấp dòng hai lối đi nổi tiếng 777 là 777X, trở thành máy bay hai động cơ lớn nhất thế giới. Mỗi chiếc 777X chở được từ 350 đến 400 hành khách, nhiều hơn 30 so với loại lớn nhất đang được sản xuất hiện nay.
Triển lãm hàng không Farnborough chuẩn bị diễn ra ngày 19-20/7 là cơ hội gần nhất để Boeing trình làng mẫu Dreamliner 787-9 có thân dài hơn 6m so với tiền nhiệm 787 và thêm 40 ghế (loại cũ có 210-335 ghế). Năm 2013 Boeing đã bắt đầu bán loại Dreamliner 787-10 với 320 ghế, giá gần 290 triệu USD. Cũng tại triển lãm lần này, Airbus mang theo mẫu A350 với 300 ghế, bay đường dài và sẽ là đối thủ của Boeing 777.
Tuy nhiên, nếu máy bay quá to thì lại là một vấn đề khác. Airbus và Boeing đều phải vất vả để mời khách hàng mua những mẫu máy bay lớn nhất của mình (loại 4 động cơ) như A380 với 525 chỗ ngồi hay 747-8 với 467 ghế. Các hãng hàng không cũng lo họ không đủ lợi nhuận để vận hành những cỗ máy có trên 450 chỗ. Nếu nhu cầu đi lại ít hơn, họ có xu hướng sử dụng các mẫu thân nhỏ nhằm duy trì tần suất hoạt động với công suất thấp nhất.
Máy bay to cũng là một thách thức về mặt thiết kế đối với nhà sản xuất. Airbus đã phải thêm bánh hạ cánh phụ và nâng cấp động cơ cho mẫu A350 (dự kiến giao hàng từ 2017). Trong khi đó, Boeing làm phần đầu cánh của 777X có thể gập lại nhằm dùng chung cổng với các mẫu nhỏ hơn.
(Nguồn:vnexpress.net)