Sẽ có 1 tháng cho Vietnam Airlines lên kế hoạch và cơ cấu lại vốn để phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng. Nếu mọi việc suôn sẻ, Vietnam Airline sẽ lên sàn vào tháng tới.
Điều gì chờ đợi khi Vietnam Airlines lên sàn?
Sau khi Bộ Tài chính và Bộ KHĐT xác định chính xác giá trị công ty mẹ - Vietnam Airlines - vào cuối tháng này, bốn bộ ngành liên quan sẽ chốt phương án đệ trình Thủ tướng Chính phủ kế hoạch cổ phần hóa công ty mẹ Vietnam Airlines (thuộc tổng công ty hàng không Việt Nam). Khi được thông qua, Vietnam Airlines sẽ có 1 tháng lên kế hoạch và cơ cấu lại vốn để phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO). Nếu mọi việc suôn sẻ, đúng kế hoạch tháng 5/2014, Vietnam Airlines sẽ lên sàn.
Nhà đầu tư đang thăm dò
Thông tin đầu tuần Văn phòng Chính phủ và Bộ GTVT đã gửi Bộ KH&ĐT và Bộ Tài chính xin ý kiến về xác định giá trị của Vietnam Airlines để lên phương án Phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO). Được biết, để thuận lợi cho mình, Vietnam Airlines đang kiến nghị các cơ quan chức năng công bố giá trị của công ty mẹ - Vietnam Airlines - theo hai phương án: Tính theo giá trị sổ sách kế toán và giá trị định giá lại tài sản.
Theo công bố của Kiểm toán Nhà nước vào 31/3/2013, giá trị sổ sách kế toán sau xử lý tài chính của Vietnam Airlines là 57.156 tỷ đồng (2,7 tỷ USD), trong đó giá trị phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp là 10.567 tỷ đồng (507 triệu USD). Còn tính theo kết quả định giá, hãng có giá trị khoảng 57.047 tỷ đồng, tương đương 2,7 tỷ USD, trong đó giá trị phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp là 23.493 tỷ đồng, tương đương 1,128 tỷ USD.
Hiện tại, giá trị vốn hóa của nhà nước sau khi được định giá tại Vietnam Airlines đang thu hút sự quan tâm lớn của nhà đầu tư, đặc biệt những nhà đầu tư muốn trở thành cổ đông chiến lược. Theo lãnh đạo Vietnam Airlines, đã có nhiều cổ đông nước ngoài đang xúc tiến việc tham gia cổ đông chiến lược vào hãng. Đây là phương án được Vietnam Airlines tính đến, nhằm tăng vốn hoạt động, cải thiện cơ sở hạ tầng và chất lượng dịch vụ.
Theo các nhà phân tích, cổ phiếu của Vietnam Airlines đang được các nhà đầu tư trong và ngoài nước ngóng đợi, bởi đây là hãng hàng không lớn nhất và có thị phần lớn nhất của Việt Nam. Dự đoán, cuộc đua để giành giật ngôi vị cổ đông chiến lược sẽ khốc liệt, vì đây là thị trường sơ khai và đầy triển vọng. Tuy nhiên, nhiều nhà đầu tư đang thăm dò những diễn biến xung quanh việc nắm giữ cổ phần của vốn nhà nước tại Vietnam Airlines là bao nhiêu, điều này sẽ tác động lớn đến giá cổ phiếu của hãng sau khi niêm yết.
Hậu IPO, bầu trời có rộng mở?
Trước đó (đầu tháng 3/2014), Bộ Giao thông - Vận tải đã có tờ trình báo cáo kết quả xác định giá trị doanh nghiệp sau điều chỉnh theo kết luận của Kiểm toán Nhà nước và phương án công bố giá trị doanh nghiệp cổ phần hóa Vietnam Airlines. Bộ đề nghị Chính phủ cho phép Vietnam Airlines được sử dụng kết quả xác định giá trị doanh nghiệp công ty mẹ làm cơ sở xác định giá bán cổ phần lần đầu, và để đàm phán với các cổ đông chiến lược trong và ngoài nước.
Hiện tổng công ty Hàng không Việt Nam có 3 công ty, trong đó Vietnam Airlines là công ty mẹ nắm giữ vốn của Jestar Pacific Airlines và VASCO. Như vậy, chấp hành chủ trương cổ phần hóa các tập đoàn và tổng công ty nhà nước, sau Vietnam Airlines, các công ty con của Vietnam Airlines sẽ được IPO trong hai năm 2014 - 2015. Nếu kế hoạch được thông qua, Vietnam Airlines sẽ có 1 tháng để hoàn thiện phương án IPO, cơ cấu vốn điều lệ và cổ phần, sau đó hãng này sẽ IPO trong vòng 3 tháng cho công chúng và phát hành cổ phiếu dành cho các nhà đầu tư chiến lược và cổ đông lớn của nước ngoài trong vòng 6 tháng cuối năm 2014.
Thị trường hàng không Việt Nam được đánh giá là cuộc đua thực sự khốc liệt, khi 2 trong 3 hãng hàng không tư nhân đã “gẫy cánh” chỉ trong thời gian ngắn hoạt động. Sau sự ra đi của Indochina Airlines, vừa qua, dư luận thực sự buồn trước sự "gẫy cánh" của chú sếu đầu đỏ phương nam - Hãng hàng không tư nhân Air Mekong.
(Nguồn: news.zing.vn)