Không dễ dàng gì để cạnh tranh với “ông lớn” Vietnam Airlines nhưng nhiều đại gia Việt vẫn sẵn sàng bỏ hàng nghìn tỷ đồng để thành lập hãng bay tư nhân.
Điểm danh đại gia Việt chi hàng nghìn tỷ để lập hãng bay tư nhân
Trong số 6 hãng bay tư nhân, đến nay chỉ có duy nhất Vietjet Air còn hoạt động. Sắp tới thị trường này mới đón thêm một “đại gia mới” là hãng bay Hải Âu. Dưới đây là gương mặt 4 đại gia có tiếng - những người đã từng và đang là chủ nhân của các hãng bay tư nhân tại Việt Nam
Đại gia BIM Group - nguyên chủ hãng bay Air Mekong
“Kinh doanh Air Mekong giống như đốt tiền” là lời thú nhận của ông chủ hãng bay tư nhân Air Mekong - Chủ tịch Hội đồng Quản trị tập đoàn BIM. Hãng bay này đã phải dừng bay sau 3 năm hoạt động. Air Mekong được thành lập với số vốn điều lệ 200 tỷ đồng, bởi nhiều nhà đầu tư Việt Nam, trong đó người “cầm trịch” là tập đoàn BIM (công ty Đầu tư phát triển sản xuất Hạ Long) - một tập đoàn nổi tiếng tại Quảng Ninh.
Người sáng lập tập đoàn này, hiện là Chủ tịch Hội đồng Quản trị là ông Đoàn Quốc Việt -một doanh nhân từng thành công trong lĩnh vực kinh doanh nhà hàng, khách sạn và thương mại dịch vụ tại Ba Lan. BIM Group hiện là một tập đoàn đa ngành hoạt động trong các lĩnh vực bất động sản, thủy sản, thương mại, hàng không…, từng có thời gian là cổ đông lớn của ngân hàng SHB.
Air Mekong chính thức bay vào tháng 10/2010 với 4 tàu bay thương mại Bombardier CRJ 900 có thể bay trên độ cao 12.000 m. Sau 2 năm hoạt động, hãng hàng không AM đã thực hiện được 25 nghìn chuyến bay, chuyên chở được 1,6 triệu hành khách, hơn 90% chuyến bay đúng giờ. Hãng đã mở 13 đường bay đi tới vùng hải đảo (Phú Quốc, Côn Đảo) và Tây Nguyên.
Tuy nhiên đến ngày 28/2/2013, hãng Air Mekong thông báo chính thức tạm ngừng bày. Lý do đưa ra là do năm 2012 và 2013 kinh tế gặp nhiều khó khăn, trong khi đó giá xăng xầu, tiền thuê phi công cao khiến chi phí đội lên, khiến thu không thể bù chi.
Đại gia Hà Dũng - nguyên chủ hãng bay Indochina Airline
Đây là hãng hàng không tư nhân đầu tiên đi vào hoạt động tại Việt Nam, nếu không tính tới Jetstar Pacific (có phần vốn góp của Nhà nước do Vietnam Airlines đại diện). Indochina Airlines được thành lập vào tháng 5/2008 với tên gọi ban đầu là công ty cổ phần hàng không Tăng Tốc, tên giao dịch quốc tế AirSpeedUp JSC, vốn điều lệ là 200 tỷ đồng. Thời gian ngắn sau đó, ngày 17/10/2008, hãng đã được đổi tên thành công ty cổ phần hàng không Đông Dương Indochina Airlines.
Bay chuyến đầu tiên vào ngày 25/11/2008, nhưng chỉ một năm sau, Indochina Airlines lún sâu vào khủng hoảng chủ yếu do suy thoái kinh tế. Đến tháng 9/2009, hãng hàng không của nhạc sĩ Hà Dũng chỉ còn một chặng bay TP.HCM - Hà Nội. Năm 2011, hãng dần teo tóp, nợ tiền xăng đối tác, nợ lương nhân viên và xin ngừng cất cánh. Đến cuối năm 2011, Indochina Airlines biến mất khỏi bản đồ bay Việt Nam.
Đại gia Hà Dũng vốn là một nhạc sĩ, quen thuộc ở giới showbiz khi tên tuổi ông gắn liền với nhiều người đẹp như ca sĩ Hồ Quỳnh Hương, nữ diên viên Maya, Giang Hồng Ngọc, Trà My Idol, Quách An An, Maria Đinh Phương Ánh… Giới truyền thông gọi họ là những “giai nhân” của Hà Dũng. Sau thất bại của Indochina Airlines, nhạc sĩ Hà Dũng và các cổ đông góp vốn đã lỗ khoảng 400 tỷ đồng, gấp 2 lần số vốn ban đầu bỏ ra.
Đại gia Sovico Holdings - chủ hãng bay Vietjet Air
Vietjet Air Cho đến nay, khi các hãng bay tư nhân khác chết yểu thì còn duy nhất một hãng bay trụ lại, đó chính là Vietjet Air. Đại gia đứng sau hãng bay giá rẻ Vietjet Air là Sovico Holdings - một tập đoàn đa ngành nổi tiếng với nhiều vụ đầu tư lớn trong lĩnh vực bất động sản và liên quan tới nhiều ngân hàng.
Chủ nhân của tập đoàn tư nhân này là vợ chồng doanh nhân Nguyễn Thanh Hùng - Nguyễn Thị Phương Thảo, là 2 trong 3 sáng lập viên xây dựng Sovico (cùng ông Nguyễn Cảnh Sơn) từ những ngày đầu thành lập năm 1992. Ông Hùng hiện là Chủ tịch Hội đồng Quản trị Sovico Holdings, trong khi bà Thảo là Chủ tịch điều hành.
Trong lĩnh vực hàng không, Sovico Holdings là cổ đông sáng lập và cổ đông lớn nhất của hãng hàng không tư nhân đầu tiên của Việt Nam - VietJet Air. Ngoài ra, Sovico còn rót vốn vào những lĩnh vực khác như thủy điện, cao su, giáo dục, thương mại...
Hãng hàng không tư nhân Việt Nam VietJetAir
Hôm 25/9, hãng hàng không tư nhân Việt Nam VietJetAir đã ký kết thỏa thuận mua 92 chiếc A320 của hãng Airbus tại Paris trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức nước Pháp của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.
Thương vụ trị giá khoảng 9 tỷ USD của VietjetAir gây chấn động ngành hàng không không chỉ trong nước mà cả quốc tế và nó được xem như một cú bứt phá mạnh mẽ muốn vươn rộng hơn ra các thị trường quốc tế của hãng hàng không giá rẻ mới vài năm tuổi đời này.
Thiên Minh - chủ nhân hãng hàng không tương lai Hải Âu
Tháng 4/2014, hãng hàng không Hải Âu dự kiến sẽ cất cánh với 2 máy bay đầu tiên. Mới đây, công ty cổ phần du lịch Thiên Minh (Thiên Minh) đã tuyên bố chính thức hoàn tất thương vụ mua lại 89% cổ phần của Hải Âu, đánh dấu sự ra đời của hãng hàng không thứ 8 và là hãng hàng không tư nhân thứ 6 ở Việt Nam. Với việc mua lại 89% cổ phần, thương vụ này tiêu tốn của Thiên Minh khoảng 54 tỷ đồng.
Tiếp quản Hãng hàng không Hải Âu, ông Trần Trọng Kiên - Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc tập đoàn Thiên Minh cho biết, công ty sẽ kinh doanh các loại thủy phi cơ (có thể đáp trên bờ và dưới nước) có 12 chỗ ngồi cho các chặng bay ngắn: TP.HCM - Hồ Tràm (Bà Rịa - Vũng Tàu), Hà Nội - Hạ Long. Thiên Minh hoạt động chính trong lĩnh vực du lịch, khách sạn. Thương vụ đình đám của tập đoàn này là chi 45 triệu USD mua lại chuỗi khách sạn Victoria.
Ông Trần Trọng Kiên là thành viên Hội đồng Quản trị ngân hàng ACB. Với tư cách là chủ tịch HĐQT Thiên Minh, ông Kiên cũng là chủ sở hữu và quản lý 10 khách sạn, khu nghỉ dưỡng 3-4 sao gồm 730 phòng ở Việt Nam, Lào và Campuchia, trong đó có 5 khách sạn Victoria ở Việt Nam và một số công ty du lịch (Buffalo Tours, Chợ Lớn…), một hệ thống đặt phòng khách sạn trực tuyến liên doanh với Úc...
TMG đã đầu tư hơn 2 triệu USD, trong đó gần 1 triệu USD để mua lại 12 du thuyền (năm tàu Sông Xanh Sampan, bảy tàu Cái Bè Princess) và hơn 1 triệu USD để đưa hai khách sạn 4 sao Victoria Núi Sam Lodge (Châu Đốc) và Victoria Xiengthong Palace (Luang Prabang, Lào) vào hoạt động, nâng tổng số khách sạn của tập đoàn này quản lý lên tám khách sạn 4 sao.
(Nguồn:news.zing.vn)